Close

Lý do nhiều người coi gương xe máy là thừa thãi

Trong các chi tiết nguyên bản của xe máy thì có lẽ cái gương là thứ mà tôi thấy ít được quan tâm nhất và thường bị tháo rời đi.

Đối với một người đi xe máy, chưa cần biết là ta biết dùng gương hay không, chỉ cần lắp gương nguyên bản là đã đủ để cho thấy đây là người rất có ý thức tham gia giao thông, biết nghĩ đến mình và xung quanh. Vậy mà có một số người tháo gương xe máy đi, hoặc lắp gương không đạt chuẩn chỉ để đối phó với cơ quan chức năng. Cái gương – chính vì ít quan tâm nên nó mới là vấn đề gây mất an toàn giao thông.

Tôi mua xe máy cũ ở Hà Nội, nhưng toàn là xe đã trụi gương, mua xong thì anh chủ hàng gắn cho gương nhỏ và bảo rằng “gương để đối phó thôi chứ tin vào gương có mà toi”. Nói đến đây tôi cũng “cạn lời”, đành ngậm ngùi chi thêm ra 200.000 đồng mua một chiếc gương đạt chuẩn chất lượng khác.
Gương chiếu hậu xe máy đạt chuẩn có giá khoảng 200.000 đồng một cặp trong khi mức phạt nếu xe máy không lắp gương thì khoảng 100.000-200.000 đồng. Có thể nói là khá nhẹ, thậm chí nếu gặp công an hiền thì có thể chỉ “nhắc nhở cho đi”.

Vì sao tôi thấy ở tỉnh thành khác hoặc các khu vực ngoại thành Hà Nội, xe máy có lắp gương nhiều hơn ở nội đô. Có thể là vì lực lượng chức năng xử lý nghiêm hơn, hoặc thưa xe hơn nên cũng dễ xử lý hơn. Tôi có người bạn học ở Đại học Quốc gia Hà Nội ở Hòa Lạc, cô ấy đi xe máy quen thói không lắp gương. Nếu ở địa phương thì cô ấy bị phạt nhưng đi vào nội thành lại không bị phạt. Có lẽ ở Hà Nội đông xe không lắp gương quá nên có muốn phạt cũng phạt không nổi.
Về lý do tháo gương xe máy, họ kêu rằng gương vướng dễ va quệt, lắp gương làm xấu xe, gương không tác dụng, nhìn không chuẩn… và chỉ có ôtô mới cần gương

Lý do thứ nhất là dễ va quệt, tôi xin phản bác rằng gương lắp chỉ trong phạm vi tay lái, ít khi bè hẳn ra ngoài. Vì vậy lý do này là không hợp lý. Mà va quyệt là do nhiều người quen thói lái xe lạng lách, chen chúc kiểu “điền vào chỗ trống” và không giữ khoảng cách khi đi song song nên dễ va chạm là chuyện đương nhiên. Cũng có ý kiến rằng đi vào đường nhỏ tắc đường quẹt gương. Nếu anh chị sợ thì có thể cụp gương lại cho gọn chút cũng được, lúc đó gương không có nhiều tác dụng. Còn đi đường lớn tốc độ cao thì khuyến cáo nên có gương để dễ quan sát.

Lý do thứ hai là nhìn không chính xác. Nguyên nhân do không biết chỉnh gương sao cho hợp với tư thế lái của mình. Theo kinh nghiệm lái xe máy cả trong lẫn ngoài đô thị của tôi, chỉnh gương sao cho không quá sát vai và nhìn rõ ngoài đường là đủ tầm nhìn.

Lý do thứ ba là xấu xe. Mọi thứ nhà sản xuất lắp đều có lý do, nếu không họ đã không tốn tiền nghiên cứu cái gương xe máy. Cá nhân tôi, lắp gương đủ không đến mức xấu xe, thậm chí còn thể hiện bạn là một người có ý thức tham gia giao thông. Cũng có ý kiến phản bác rằng tháo gương nhìn xe sang hơn (với xe ga) hay nhìn xe “chiến” hơn (với xe số). Tôi cũng phản bác rằng sang hơn hay “chiến” hơn ở đâu chưa biết, chỉ thấy nguy hiểm rình rập là nhiều.

Nếu ai học lái ôtô chắc chắn sẽ có bài nhìn gương. Tôi đi học và thấy 2 học viên đi cùng không biết gương nhìn thế nào để đoán khoảng cách, nhưng điều đó rất dễ với những người đi xe máy có thói quen nhìn gương. Các thầy ngày đó dạy rằng: xe ở bên phía rìa ngoài gương là đã rất gần, rìa trong gương là xe còn ở xa. Lý thuyết này hoàn toàn áp dụng được ở xe máy. Nhưng họ không làm thế mà họ ngoái đầu nhìn xe đằng sau. Sẽ thật sự nguy hiểm nếu đi tốc độ cao mà nhìn ngoái ra sau, rất dễ lệch tay lái, hoặc đâm vào xe đằng trước (đó là có ý thức quan sát). Nhiều vụ tai nạn còn do không nhìn ra sau, sang làn vô tư mà không biết có xe đang lao tới.

Gương là bộ phận tuy “rẻ tiền” trên xe máy, nhưng nó góp phần không nhỏ vào an toàn giao thông. Trên đường thiên lý, các mọi người hãy chú ý đến an toàn cho bản thân, đừng vì thấy “phí” mà không đầu tư cho sự an toàn của mình.

Độc giả An Thái

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0 Comments
scroll to top