Vào năm 1961 theo yêu cầu của công viên Tama Tech tại Nhật Bản, Honda đã phát triển một mẫu xe máy mini dành cho trẻ em. Được sản xuất với số lượng cực kỳ giới hạn, dòng xe này có tên mã Z100, được trang bị động cơ 50cc cam đũa OHV tương tự như những chiếc Super Cub, lốp “béo” đường kính nhỏ và hoàn toàn không có hệ thống phuộc. Khi đưa vào sử dụng ở công viên, chúng đã thu hút được lượng lớn khách tham quan, khiến ban lãnh đạo Honda nhận ra rằng họ đang nắm trong tay một dòng xe cực kỳ tiềm năng. Đó là lịch sử dẫn tới sự ra đời của chiếc minibike Honda Monkey đầu tiên, ra đời 6 năm sau đó.
Ban đầu vốn được biết đến với tên mã Z50M hay Mini Trail ở Mỹ, những chiếc Monkey bé nhỏ đã nhanh chóng chinh phục khách hàng trên toàn Thế giới. Không chỉ là đồ chơi trẻ nhỏ, chiếc xe còn được cả những người trưởng thành với kích thước cơ thể to lớn ở phương Tây ưa chuộng – dù họ trông như những chú khỉ lái xe đạp trong rạp xiếc khi ngồi trên mẫu minibike này. Đó cũng là nguồn gốc của tên gọi Monkey đã gắn liền và trở thành chính thức cho dòng xe trong suốt hơn nửa Thế kỷ.
Hơn 50 năm sau đó, Honda đã tạo ra nhiều phiên bản Monkey khác nhau như Z50A, Z50J, Z50M, Z50R và ZB50. Do được coi là xe cho trẻ nhỏ, Monkey chưa bao giờ có dung tích động cơ vượt quá 50cc. Vào năm 2007 – đúng dịp kỷ niệm 50 năm sinh nhật Monkey, Honda đã tuyên bố “khai tử” Monkey 50cc truyền thống do không đạt các tiêu chuẩn khí thải. Tuy nhiên tại triển lãm Vietnam Motorcycle Show 2017, Honda cũng đã âm thầm công bố phiên bản ý tưởng của Monkey thế hệ mới – Monkey 125 lần đầu tiên trước Thế giới.
Mất gần 1 năm sau đó, vào tháng 3 năm nay Honda Monkey 125 phiên bản thương mại đã chính thức xuất hiện, với thiết kế và cấu hình gần như y hệt phiên bản concept. Giống như “thủy tổ” đời 1967, chiếc xe đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của khách hàng trên Thế giới – đặc biệt khi động cơ 125cc và tính công thái được thay đổi đã khiến Monkey 125 phù hợp hơn với người trưởng thành. Rất nhanh chóng, Honda Việt Nam đã đưa Monkey 125 về phân phối chính thức ở nước ta vào cuối tháng 10 vừa qua.
Trước khi được phân phối chính hãng, những chiếc Monkey 125 cũng đã được một lượng nhỏ dân chơi xe Việt tìm cách đưa về từ nước bạn Thái Lan qua một số cửa hàng nhập khẩu tư nhân – dù chúng có thể có giá lên tới hơn 120 triệu đồng do các chi phí thuế/vận chuyển và cũng đang bị “cháy hàng” ngay tại Thái. Sử dụng chung nền tảng với chiếc minibike MSX 125, Monkey 125 cũng là một dòng “xe chơi” hoàn hảo để độ lại bởi lượng phụ tùng nâng cấp đa dạng tới từ nhiều hãng khác nhau.
Ngay khi có trong tay một chiếc Monkey 125 nhập Thái, Thiện TBT tại Sài Gòn – một cửa hàng đồ chơi nâng cấp từng hoàn thiện nhiều bản độ ấn tượng từ các dòng xe phổ thông như Vespa, Exciter, Dream, Wave, SH… cũng đã nhanh chóng tìm cách “dọn” lại mẫu minibike đáng yêu này. Với dự án Monkey 125, Thiện TBT hướng tới mục tiêu giữ nguyên thiết kế huyền thoại của dòng Monkey, nhưng khiến chiếc xe hấp dẫn hơn bằng các phụ tùng cao cấp.
Trên toàn bộ bản độ, điểm nổi bật nhất đó là sự xuất hiện của cặp mâm Blackstone Tek (BST) Black Devil, bọc xung quanh cặp lốp Michelin Pilot Power Pure bản 120/70/17 cho cả 2 bánh. Vốn được thiết kế cho MSX 125, bộ mâm BST này không chỉ đặc biệt bởi được làm từ sợi carbon mà còn đem tới cho Monkey 125 vẻ đẹp hoài cổ. Thiết kế 3 đao của mâm gợi nhớ về các dòng xe mô tô trong thập niên 80-90 của Thế kỷ XX, và cũng được Honda sử dụng trên ZB50 – phiên bản Monkey duy nhất trong lịch sử với khung nhôm đôi, chỉ được sản xuất trong đúng 1 năm từ 1987-1988.
Ngoài bộ mâm, “dàn chân” trước của Monkey 125 do Thiện TBT độ còn gây ấn tượng bởi hệ thống phanh đạt tiêu chuẩn xe đua. “Cắn” đĩa phanh Brembo với lòng sống (full floating) là heo Brembo 2 piston đối xứng P2 34 SX Billet vốn dành cho xe đua Moto3, được gắn vào cây phuộc USD nguyên bản của Monkey 125 qua pad CNC tiện tại Việt Nam. Dầu được bơm tới heo trước thông qua tay phanh Brembo Billet, và đối xứng ở bên còn lại trên ghi-đông nguyên bản của xe cũng là cùm côn dây Brembo Billet.
Nằm bên dưới chảng ba là sự xuất hiện của cây trợ lực Ohlins để giữ cho phần đầu của Honda Monkey 125 được ổn định hơn ở tốc độ cao. Về thiết kế, bản độ này vẫn giữ nguyên gần như hoàn toàn kiểu dáng và màu sơn xanh/trắng đặc trưng của xe nguyên bản. Thay đổi duy nhất của Thiện TBT đối với dáng xe chỉ là loại bỏ đi bộ dè nhựa kiêm pad biển số ở phía sau để dáng xe trở nên gọn gàng hơn. Động cơ 125cc, SOHC, phun xăng điện tử kết hợp hộp số côn tay 4 cấp, đạt công suất tối đa 9,65 mã lực của Monkey 125 kèm pô vắt đặc trưng cũng được giữ nguyên.
Tương tự như bánh trước, hệ thống phanh ở bánh sau cũng là sự tổng hòa của các linh kiện “hàng hiệu” như đĩa phanh Brembo, pen đạp Brembo Billet và heo Brembo. Tuy nhiên thay vì là loại 2 piston Moto3, heo sau của chiếc Monkey 125 này là loại 4×24 Axial Billet với 4 piston đối xứng. Được thiết kế đặc biệt dành cho các biker thường xuyên dùng nhiều lực phanh sau hơn, loại heo này cũng hướng tới đường đua với trọng lượng siêu nhẹ và khả năng tản nhiệt cực tốt.
Với những phụ tùng “siêu khủng” tập trung gần như hoàn toàn ở khu vực bánh xe, chiếc Honda Monkey của Thiện TBT đã không chỉ đẹp mắt, ấn tượng hơn mà còn có được cảm giác điều khiển vượt trội so với xe nguyên bản. Theo ước tính, tổng giá trị của toàn bộ các phụ tùng độ cao cấp trên chiếc xe này có thể dễ dàng vượt quá mức 100 triệu đồng.